BÌNH MINH – TẦM NHÌN VÀ KHÁT VỌNG
(1965 – 1974)
Những năm 1964 – 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn vô cùng khốc liệt, cả hai miền Nam Bắc đang phải đương đầu với quân đội Mỹ. Tình hình khó khăn như vậy nhưng Chính phủ ta vẫn nhấn mạnh: đào tạo nhân tài cho đất nước, chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai là vô cùng cần thiết. Ngày 14/9/1965, Chính phủ đã ra quyết định 198/CP, yêu cầu ngành giáo dục mở những lớp bồi dưỡng cho các học sinh có năng khiếu ở cấp 3. Giáo sư Tạ Quang Bửu là người đầu tiên đề nghị Thủ tướng Phạm Văn Đồng mở lớp chuyên toán đầu tiên ở Trường Đại học tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), sau đó là các lớp chuyên Toán ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh và một số tỉnh, thành khác.
Vào thời điểm này, Nghệ An đang nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của không quân, hải quân Mỹ. Hoàn cảnh lúc bấy giờ vô cùng khó khăn và thiếu thốn. Nhưng đầu năm học 1965-1966, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã chỉ thị cho Ty giáo dục (nay là Sở GD&ĐT Nghệ An) triển khai quyết định này. Học sinh học ở các lớp năng khiếu được cấp chế độ như một công nhân viên chức nhà nước, các lớp chuyên sẽ học ở một trường cấp III nào đó, có thầy giáo dạy môn chuyên riêng, các môn còn lại do giáo viên trường sở tại đảm nhiệm, mọi hoạt động của thầy trò đều do trường sở tại quản lí.
Năm học 1965-1966, hai lớp chuyên Toán “đặc biệt” đầu tiên ra đời. Đây là những học sinh được tuyển chọn từ kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp huyện. Các lớp này được gửi vào Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng (lúc này đang sơ tán về Hưng Tây, Hưng Nguyên – do thầy Phạm San làm chủ nhiệm) và Trường cấp 3 Đô Lương I (đóng ở xã Tân Sơn – Đô Lương do thầy Trần Lê Thận làm chủ nhiệm).
Mặc dù đây là khóa chuyên Toán đầu tiên, thầy trò gặp rất nhiều khó khăn trong giảng dạy và học tập nhưng sau ba năm học, khóa học trò này đã khẳng định được chất lượng dạy và học: tất cả các học sinh đều được xét tuyển lên Đại học, nhiều học sinh được cử đi học ở nước ngoài, nhiều học sinh sau này giữ những vị trí trọng trách trong xã hội và đạt những thành tích vô cùng xuất sắc như anh Hà Văn Lê – tiến sĩ, Anh hùng lao động, nguyên Giám đốc Sở xây dựng Nghệ An; anh Thái Minh Tần – tiến sĩ, Anh hùng lao động, nguyên Tổng giám đốc Công ty truyền thông đa phương tiện VTC…
Năm học 1966-1967, rút kinh nghiệm từ lớp chuyên Toán của năm trước, qua kì thi chọn Học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh, Ty giáo dục trực tiếp chọn và mở thêm hai lớp 8, mỗi lớp 30 em học tập trung tại Trường cấp 3 Thanh Chương II (đóng tại xã Thanh Dương) do các thầy Nguyễn Duy Tịnh và thầy Nguyễn Hữu Chất làm chủ nhiệm. Sang năm học lớp 10 (1968-1969), hai lớp này được tuyển chọn thành một lớp gồm 42 em, chuyển về học ở Trường cấp 3 Quỳnh Lưu II. Vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mặc dù phải di chuyển địa điểm học, điều kiện thiếu thốn nhưng thầy trò đã ghi được những thành quả vô cùng nể phục: trong kỳ thi chọn Học sinh giỏi toàn miền Bắc có 2 em đạt giải Khuyến khích (không có các giải Nhất, Nhì, Ba), 42/42 em được xét tuyển vào Đại học, 40 em được cử đi học nước ngoài.
Năm học 1967-1968, Ty giáo dục tiếp tục chọn ra được hai lớp chuyên Toán “đặc biệt” qua kì thi chọn Học sinh giỏi tỉnh, với số lượng 30 em/1 lớp do thầy Nguyễn Khắc Tuệ và thầy Nguyễn Trọng Mão làm chủ nhiệm. Hai lớp này được gửi học tại Trường cấp 3 Đô Lương II, thầy Trần Cường làm hiệu trưởng (đóng tại xã Lam Sơn, huyện Đô Lương). Trong lớp chuyên Toán này có hai em người dân tộc thiểu số là Lương Văn Lại và Hà Thế Vinh. Học sinh hai lớp này được nhà trường giới thiệu ở trọ trong nhà dân. Hai bếp ăn tập thể cũng được tổ chức trong nhà bà Đoan (xã Lam Sơn) và nhà bà Chấm (xã Bồi Sơn). Hết lớp 8, học sinh hai lớp này được tuyển chọn lại thành một lớp do thầy Nguyễn Khắc Tuệ làm chủ nhiệm. Ngoài các giờ học, thầy trò phải cùng nhau tự tay sửa sang lại lớp học. Những lớp học được dựng lên bằng tre mét, phên đất, mái tranh, rất đơn sơ nhưng là nơi đã lưu giữ bao kỉ niệm của thầy trò, nơi đã nuôi dưỡng biết bao ước mơ và hoài bão của một lứa học sinh “đặc biệt” của quê hương xứ Nghệ. Khó khăn là vậy nhưng thầy và trò của khóa học này đã vượt lên tất cả để đạt được những kết quả vô cùng xuất sắc: trong kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc đã có hai học sinh đạt giải Nhì (không có giải Nhất) và hai giải Khuyến khích.
Cũng trong năm học này, Ty Giáo dục tuyển chọn thêm 1 lớp chuyên Toán gồm 27 em học tại Trường cấp 3 Yên Thành II, đóng tại xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, gọi là lớp 8C do thầy Lê Anh Tề làm chủ nhiệm
Năm học 1968 – 1969, Ty giáo dục tiếp tục tuyển sinh lớp Học sinh giỏi đặc biệt nữa. Đây là năm học có dấu ấn lịch sử của hệ chuyên: năm đầu tiên Ty giáo dục tập trung cả 3 khóa 8, 9, 10 về học một chỗ tại Trường cấp 3 Đô Lương II.
Năm học 1969 – 1970, ngoài lớp 8 chuyên Toán tiếp tục được mở, lớp 8 chuyên Văn “đặc biệt” đầu tiên cũng được hình thành ở Trường cấp 3 Đô Lương I do thầy Phan Huy Huyền làm chủ nhiệm.
Trước năm học 1969 – 1970, học sinh các lớp Toán “đặc biệt” ăn ở đều nhờ cậy trong dân, có thể nói là rất khó khăn, thiếu thốn dù được nhân dân nơi trường đóng hết sức cưu mang, giúp đỡ và chở che. Bản thân các gia đình có học sinh ở trọ cũng đói khổ, không đủ gạo, phải thường xuyên ăn khoai sắn thay bữa. Tại Trường cấp 3 Đô Lương II, bắt đầu từ năm học 1969-1970, mặc dù vẫn ở trong dân nhưng học sinh đã được ăn chung ở tập đoàn.
Trong thời kỳ này, các em đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều để vượt qua những vất vả, gian khó của điều kiện ăn ở, học tập. Đói triền miên. Một ngày chỉ có hai bữa trưa và tối, ăn mì luộc là chính, thức ăn toàn rau luộc chấm nước muối loãng. Thi thoảng mới được tí thịt theo tiêu chuẩn tem phiếu. Buổi sáng đi học gần như phải nhịn đói, có chăng cũng chỉ khoai sắn của nhà chủ ở trọ cho ăn.
Năm học 1970-1971, Ty giáo dục tiếp tục tuyển một lớp chuyên Toán từ kỳ thi Học sinh giỏi Toán toàn tỉnh. Cùng trong năm học này, Ty giáo dục đã mở thêm lớp 8 chuyên Văn và gửi học ở Trường cấp 3 Nghi Lộc I. Lớp văn này do thầy Nguyễn Duy Tý làm chủ nhiệm, sang năm lớp 9 thầy Phan Huy Huyền chủ nhiệm.
Năm học 1971-1972, ngoài lớp chuyên Toán tiếp tục được mở ở Anh Sơn (Đô Lương) do thầy Trần Văn Bỉnh làm chủ nhiệm, một lớp chuyên Văn nữa cũng được mở ở Nghi Lộc do thầy Nguyễn Tấn Dương làm chủ nhiệm.
Năm 1972, Mỹ ném bom ác liệt toàn miền Bắc. Trường cấp 3 Nghi Lộc I bị trúng bom cháy trụi. Nhà trường phải xây dựng lại toàn bộ trường lớp. Trước yêu cầu thực tế, thầy trò các lớp 8, 9 chuyên Văn cùng nhau “gánh trường lớp” về Thanh Chương. Những ngày đầu về trường mới là thời điểm đầy khó khăn và thử thách. Mỗi hôm học trên lớp chỉ khoảng 3 tiết, thời gian còn lại thầy trò lao động để xây dựng phòng lớp. Những lần vào rừng chặt nứa, vắt bám đầy người, rồi một lần đóng bè thả sông mang nứa về dựng lán, nước khối từ trên sông Giăng dội xuống làm vỡ bè, những buổi lao động lấy bùn trộn rơm để làm “tường” cho những lớp học. Tất cả những kỉ niệm đó không bao giờ phai trong ký ức của cả thầy và trò thủa ấy.
Nói đến những khó khăn của giai đoạn này không thể không nhắc đến những trận bom ngày đêm của đế quốc Mỹ. Những buổi lao động đào hầm trú ẩn, những tiết học bị ngắt quãng, những giấc ngủ không tròn vì những trận bom… Gian khổ vậy, điều gì đã giúp thầy trò vượt qua tất cả những thử thách đó để có những thành công trong dạy và học?
Những thầy giáo phụ trách các lớp chuyên thời đó còn rất trẻ (thầy Nguyễn Tấn Dương, thầy Phan Huy Huyền, thầy Hoàng Quỳ dạy chuyên Văn, thầy Trần Văn Bỉnh, thầy Nguyễn Duy Tịnh, thầy Chu Phú dạy chuyên Toán) mới chỉ ngoài 30. Với các em, các thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn là người cha, người mẹ chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, là người anh, người chị dìu dắt em mình qua thử thách để đi đến thành công.
Để nâng cao kiến thức cho trò, các thầy đã trăn trở rất nhiều: thời gian học quá ít, làm thế nào để các học trò của mình có được kiến thức vững vàng khi rời ghế nhà trường? Tài liệu duy nhất cho chuyên Toán thời đó là tạp chí Toán học tuổi trẻ, nhưng một tháng cũng chỉ có một số. Chờ đợi quyển tạp chí này là một sự hồi hộp của nhiều học trò ham hiểu biết. Mỗi lần nhận được tạp chí là những nguồn vui với thầy và trò, những đêm thức trắng để cùng nhau giải bài là những kỷ niệm khó quên.
Còn với các lớp chuyên văn, tài liệu cũng chẳng dễ dàng gì hơn. Ngoài giờ học, các thầy phải hướng học sinh tự học bằng cách viết các tiểu luận theo chuyên đề. Những chuyến “dã ngoại” đi bộ từ Thanh Chương về Nam Đàn thăm quê cụ Phan Bội Châu để nghe em gái cụ Phan đọc thơ, sang Nghi Xuân (Hà Tĩnh) để giảng những câu Kiều ngay trên quê hương cụ Nguyễn Du. Dù vất vả nhưng thầy trò vẫn tràn đầy tinh thần nhiệt huyết văn chương.
Vượt lên mọi khó khăn, gian khổ thầy trò các khóa chuyên Toán “đặc biệt”, chuyên Văn “đặc biệt” đã đạt được những thành tích học tập xuất sắc. Nhiều em đã đạt giải trong kỳ thi chọn Học sinh giỏi toàn miền Bắc như: Nguyễn Phương Sơn – giải Nhì Toán (không có giải Nhất), Lê Văn Sáng và Cao Đăng Tân đạt giải Khuyến khích, …
Dường như nhiệt tình tuổi trẻ, tâm huyết nghề nghiệp của các thầy cô đã truyền sang các thế hệ học sinh thuở đó. Trò học được ở thầy cô mình không chỉ kiến thức mà còn cả sự tận tâm trong công việc, chất nhân văn trong mỗi con người. Thử thách tôi luyện ý chí, tình thầy trò, bạn bè keo sơn gắn bó – những hành trang quý giá cho mỗi trò bước vào đời. Có lẽ chính vì vậy mà sau này, rất nhiều học trò của nhiều lớp chuyên thời ấy đã là những cán bộ xuất sắc trong nhiều lĩnh vực như:
PGS.TS Thái Bá Cần, giảng viên cao cấp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam.
Nguyễn Phương Sơn, đạt giải Nhì môn Toán miền Bắc (không có giải Nhất), nay là Đại tá quân đội.
GS-TSKH Vũ Quốc Phóng, nay đang giảng dạy nhiều trường đại học ở Mỹ, Pháp, Nhật…
Tô Hồng Hải, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Trường, hiện nay là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Nguyễn Quốc Thất – Anh Hùng Quân đội, Liệt sỹ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1979.
Tiến sĩ, nhà văn Võ Thị Hảo.
DANH SÁCH CÁC THẦY GIÁO DẠY CÁC LỚP CHUYÊN TOÁN, CHUYÊN VĂN TỪ 1965 – 1974
NHỮNG THẦY GIÁO DẠY CHUYÊN TOÁN (1965 – 1974)
TT | Họ và tên | Ghi chú |
1 | Phạm San | Đã mất |
2 | Trần Lê Thận | Đã mất |
3 | Nguyễn Duy Tịnh | Đã mất |
4 | Lê Anh Tề | Đã mất |
5 | Nguyễn Hữu Chất | |
6 | Nguyễn Khắc Tuệ | |
7 | Chu Phú | |
8 | Trần Văn Bỉnh | |
9 | Nguyễn Tiến Lệ | |
10 | Trần Văn Mão |
NHỮNG THẦY GIÁO DẠY CHUYÊN VĂN (1969 – 1974)
TT | Họ và tên | Ghi chú |
1 | Nguyễn Huy Tý | Đã mất |
2 | Nguyễn Tấn Dương | Đã mất |
3 | Hoàng Qùy | Đã mất |
4 | Lê Bá Đức | Đã mất |
5 | Phan Huy Huyền |
CHUYÊN VIÊN TY GIÁO DỤC TRỰC TIẾP CHỈ ĐẠO
TT | Họ và tên | Ghi chú |
1 | Hoàng Hồ | Môn Toán (Đã mất) |
2 | Nguyễn Quang Tuyên | Môn Văn |
Nhìn lại chặng đường 10 năm hệ chuyên, chúng ta không thể không tự hào trước những thành tích mà thầy trò đã đạt được. Nhưng để có những thành tựu đó, không thể không nhắc đến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh, Ty Giáo dục Nghệ An, sự cưu mang giúp đỡ tận tình của các hiệu trưởng, các tập thể sư phạm và nhân dân địa phương các lớp chuyên đã đi qua. Nếu không có sự bao bọc lớn lao này, chắc chắn không thể có những thế hệ học trò chuyên xuất sắc như vậy.
Nếu ví Trường THPT chuyên Phan Bội Châu bây giờ là một ngôi nhà vững chãi thì các lớp chuyên Toán, chuyên Văn đầu tiên đó là những viên gạch hồng đặt nền móng vững chắc cho ngôi trường này. Biết vượt lên mọi khó khăn gian khổ, lòng ham mê học hỏi, không ngừng phấn đấu vươn lên, biết yêu thương đùm bọc nhau những lúc khó khăn là những đức tính quý báu của thầy trò thời đó và được nối tiếp, phát huy đến tận sau này.
Hệ chuyên Toán đầu tiên |