DÒNG CHẢY KẾT NỐI
TẬP THỂ TỔ NGỮ VĂN
I. TRẦM TÍCH TRUYỀN THỐNG (1964-2014)
Những năm 1964 – 1965 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn vô cùng khốc liệt, khó khăn. Ở thời điểm cả nước gồng mình dồn toàn bộ sức người, sức của chắt chiu, gửi gắm cho chiến trường, Nghệ An là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở miền Bắc nghĩ đến việc hình thành hệ thống trường chuyên, lớp chọn để đào tạo nhân tài, chuẩn bị nguồn lực cho tương lai. Năm học 1969-1970, lớp 8 chuyên Văn “đặc biệt” đầu tiên do thầy giáo Phan Huy Huyền chủ nhiệm được đặt tại trường cấp ba Thanh Chương I đã làm tròn trách nhiệm vinh quang là đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời của hệ thống các lớp chuyên văn và cùng đó là tổ Ngữ Văn sau này. Năm học 1970 – 1971, Ty Giáo dục Nghệ An mở thêm lớp 8 chuyên Văn và gửi học ở trường cấp 3 Nghi Lộc I. Lớp văn này do thầy giáo Nguyễn Duy Tý làm chủ nhiệm. Giáo viên dạy văn thời kỳ này còn có thầy Lê Bá Đức.
Ngày 15/10/1974, “Trường Cấp 3 nội trú bồi dưỡng học sinh có năng khiếu” (sau gọi tắt là trường cấp 3 Năng khiếu) tọa lạc tại xã Diễn Thành, Diễn Châu chính thức được thành lập. Cùng với sự phát triển của các tổ chuyên môn khác, tổ Ngữ Văn bấy giờ gồm các thầy cô: Thầy Phan Huy Huyền, thầy Hoàng Quỳ, thầy Nguyễn Tấn Dương, thầy Hồ Sỹ Minh Đô, cô Lê Phương Nga, cô Trần Thị Bích Diệp. Từ năm 1976, thầy Phan Huy Tuấn được Ty Giáo dục Nghệ An điều từ trường Năng khiếu Hà Tĩnh về trường.
Để có điều kiện tốt hơn cho việc dạy và học, năm 1977, trường chuyển về xã Hưng Lộc (thành phố Vinh). Quy mô trường gồm 2 hệ chuyên Văn và Toán, mỗi hệ có ba lớp 8, 9, 10. Tổ Văn thời kỳ này có thêm thầy Trần Hữu Dinh, thầy Nguyễn Văn Lập, thầy Phạm Viết Phương, thầy Lê Thái Phong, thầy Phan Xuân Chấn.
Từ năm 1981, trường chuyển về địa điểm hiện nay, 119 đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh. Năm 1984, thầy Trần Hữu Dinh được đề bạt lên làm Phó Hiệu trưởng nhà trường. Giáo viên văn gồm có các thầy cô: Thầy Phan Huy Tuấn, thầy Lê Thái Phong, Cô Trần Thị Bích Diệp, thầy Ngô Xuân Vinh, thầy Nguyễn Quang Phú, thầy Nguyễn Tư Hoành. Từ năm 2000 đến 2008, tổ Văn đón nhận nhiều thành viên mới là cựu học sinh chuyên văn của trường, cùng với nhiều giáo viên cốt cán của các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh về công tác tại trường như: Cô Nguyễn Thị Tỵ, cô Nguyễn Thị Kim Chi, cô Lê Lương Tâm, cô Nguyễn Thị Giang Chi, cô Ngô Thị Thu Hiền, cô Phan Thị Nga, thầy Trần Vũ Bảo, cô Nguyễn Thị Thúy Anh, cô Dương Thị Minh Nguyệt, cô Nguyễn Thị Hải Lý, cô Bùi Thị Thu Hằng.
Vượt lên gian khổ thiếu thốn trăm bề, các thế hệ giáo viên Ngữ văn trưởng thành trong đạn lửa chiến tranh vẫn luôn lạc quan yêu đời, ngày đêm miệt mài bỏ công sức tìm tòi các tư liệu quý, lên lớp say sưa quên thời gian, quyết tâm rèn đức đào tạo nhân tài cho quê hương. Đội ngũ giáo viên của tổ hầu hết là những thầy cô giáo có trình độ chuyên môn cao. Nhiều thầy cô có tên trong tổ nghiệp vụ của Ty, của Sở Giáo dục được cử đi tiếp thu chuyên môn từ Bộ Giáo dục về truyền đạt lại cho giáo viên văn toàn tỉnh; tham gia chấm thi học sinh giỏi cấp Tỉnh, chấm thi học sinh giỏi miền Bắc; tham gia nhiều hội thảo khoa học và có tham luận, báo cáo từ cấp ngành đến cấp khu vực và toàn quốc (thầy Phan Huy Tuấn, thầy Lê Thái Phong, thầy Trần Hữu Dinh, Cô Nguyễn Thị Tỵ, cô Trần Thị Bích Diệp, thầy Nguyễn Tấn Dương, thầy Nguyễn Tư Hoành…). Từ bề dày kinh nghiệm của thực tiễn dạy và học, các thầy cô đã đúc kết được nhiều sáng kiến kinh nghiệm được hội đồng khoa học cấp ngành, cấp tỉnh đánh giá cao; đồng thời xuất bản được nhiều đầu sách nghiên cứu văn học và giảng dạy có giá trị. Trong suốt 50 năm phấn đấu và trưởng thành, đóng góp to lớn của các thầy cô trong tập thể tổ Ngữ văn đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tôn vinh. Ba giáo viên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú: Thầy Lê Thái Phong, thầy Phan Huy Tuấn, cô Nguyễn Thị Tỵ. Nhiều giáo viên được Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen: Thầy Trần Hữu Dinh, thầy Phan Huy Tuấn, cô Trần Thị Bích Diệp, cô Nguyễn Thị Tỵ, thầy Nguyễn Tấn Dương, thầy Nguyễn Tư Hoành, cô Nguyễn Thị Kim Chi…
Bên cạnh công tác chuyên môn, thầy trò tổ Ngữ văn còn để lại dấu ấn ở những hoạt động toàn diện sôi nổi. Còn nhớ, tiết mục kịch nói tự biên tự diễn “Chị Sứ”, “Đường về” với kịch bản của thầy giáo Hồ Sỹ Minh Đô, được dàn dựng với sự tham gia diễn xuất của những diễn viên không chuyên: cô Trần Thị Bích Diệp, Các thầy Hoàng Quỳ, Minh Đô, Tấn Dương, Duy Đào, Chu Phú, Văn Thơi làm nức lòng người xem đêm diễn và được tặng giải nhất của Hội diễn văn nghệ toàn ngành. Các tiết mục Nhớ một thời tôi đã từng sống của thầy Phan Huy Tuấn, tiết mục Hò kéo pháo do thầy Hoàng Quỳ cùng học sinh lớp 9V biểu diễn, điệu múa Cô gái vót chông điêu luyện, sôi nổi, biết bao năm rồi vẫn được nhắc tên. Dù khó khăn còn nhiều, nhưng các thầy cô luôn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Những cuộc đi tham quan, đi picnic, những hoạt động câu lạc bộ thường niên như Câu lạc bộ Văn học dân gian, Truyện Kiều và Nguyễn Du, Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong văn học đã tạo ra không khí vui tươi, hào hứng. Tổ còn mời các nhà thơ, các nhà nghiên cứu có tên tuổi như Trần Đăng Khoa, Võ Văn Trực, Bùi Vợi, Lê Cảnh Nhạc, Chương Thâu… đến giao lưu, nói chuyện văn chương truyền cảm hứng cho các học sinh chuyên văn; Tổ chức nhiều cuộc nói chuyện chuyên đề và báo cáo khoa học để học sinh thể hiện bản lĩnh và phát hiện các hạt giống trẻ trên các lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Không phụ sự kỳ vọng của thầy cô và nhân dân tỉnh nhà, các thế hệ học sinh thời kỳ này đã cùng nhau viết lên những trang vàng thành tích, kế tục xứng đáng truyền thống đất học và tinh hoa xứ Nghệ. Cho đến nay, tên tuổi của những anh tài đàn anh, đàn chị xuất sắc bản lĩnh, tài hoa từng đoạt giải cao Nhất, Nhì trong kỳ thi chọn học sinh giỏi toàn miền Bắc, toàn quốc vẫn luôn là những tấm gương sáng cho các lớp đàn em, là niềm tự hào của nhà trường (Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Văn Phượng, Trần Thị An, Nguyễn Ngọc Vân, Nguyễn Thị Minh, Trịnh Văn Hà, Vũ Anh Tuấn, Phạm Ngọc Anh, Phạm Hồng Thái, Bùi Thị Minh Yến, Nguyễn Công Hồng, Phan Xuân Thành, Đỗ Huy Tuấn, Nguyễn Thu Hương, Bùi Thị Xuân, Phạm Văn Thủy, Trần Bích Hà, Lê Thị Thanh Nhàn, Trần Ngọc Hoa, Hoàng Hà, Dương Bích Diệp, Chu Minh Anh Thơ, Hà Thị Hoàng Oanh…). Từ những buổi biểu diễn văn nghệ, những hội diễn thể thao, nhiều tài năng đã được phát lộ. Những tiếng hát của Hồ Thu Hà, Nguyễn Thu Sương, Nguyễn Thị Cẩm Tú … đến nay nhiều thầy cô và các lứa học trò thời ấy vẫn nhắc đến. Nhiều cây bút xuất sắc được giới chuyên môn đánh giá là “các cây bút triển vọng” đã hiện diện trên mặt báo không chỉ của địa phương mà cả trung ương như Lê Thu Thủy, Đinh Thu Hiền, Đường Hải Yến, Phan Thúy Thảo, Dương Nữ Khánh Thương, Dương Nữ Cẩm Tâm… Sau khi ra trường, những thế hệ học sinh chuyên văn trường Phan đã tự tin bản lĩnh khẳng định mình, gặt hái được rất nhiều thành công trong công việc, đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực phát triển của đất nước. Nhiều người trở thành cán bộ quản lý cấp cao của Nhà nước, các Vụ, Viện nghiên cứu; là giáo sư, tiến sĩ, hiệu trưởng, trưởng khoa giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước; trở thành các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu phê bình uy tín, có các tác phẩm được đánh giá cao như: Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyễn Đức Hiền, Hồ Quang Lợi, Hồ Bất Khuất, Chu Hải Thanh, Trương Đăng Dung, Nguyễn Đăng Điệp, Phan Xuân Thành, Nguyễn Hoài Nguyên, Đinh Trí Dũng, Nguyễn Cảnh Huệ, Nguyễn Thành Thi, Võ Hồng Hải, Nguyễn Hồng Thái, Phạm Ngọc Anh, Nguyễn Thị Ly Kha, Võ Thị Hảo, Giáng Hương, Trần Thị Kim Hoa, Ngô Minh Châu, Nguyễn Huy Hoàng, Phan Thị Hồng, Nguyễn Công Hồng, Phạm Văn Minh, Nguyễn Hồng Minh, Quế Đình Nguyên, Trần Đình Nhã, Nguyễn Xuân Sơn ,Nguyễn Thị Kim Chi, Hoàng Hà, Nguyễn Đức Hiền, Trần Mạnh Hùng, Phan Thanh Phong, Nguyễn Văn Quang, Tạ Quang Đôn,…
II. DÒNG CHẢY KẾT NỐI (2014 – 2024)
Nối trí tuệ
Với điểm tựa vững chãi từ truyền thống, đội ngũ giáo viên tổ Ngữ văn ngày càng trưởng thành và trẻ hóa. Phần lớn giáo viên trong tổ hiện tại là học sinh cũ của trường có thành tích học tập, rèn luyện tốt nay trở về công tác và các giáo viên giỏi đã khẳng định được năng lực qua thực tiễn giảng dạy ở những trường trung học phổ thông trong tỉnh nhà. Đặc biệt, tổ rất chú tâm phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ chuyên môn kế cận để không có sự đứt gãy thế hệ. Trong mười năm trở lại đây, tổ Ngữ văn đã và đang chứng kiến một sự chuyển giao thế hệ vàng sang thế hệ trẻ tạo ra một dòng chảy bền bỉ kế thừa và phát huy truyền thống mà các thầy cô đi trước đã dày công xây đắp. Hiện nay, tổ Ngữ văn có 16 thầy cô giáo, trong đó 100% là thạc sĩ, có 02 tiến sĩ và 01 nghiên cứu sinh. Nhiều thầy cô là giáo viên cốt cán của ngành, tham gia các hoạt động ra đề thi và chấm thi trong các kì thi tuyển học sinh giỏi, tuyển sinh vào trường như cô Nguyễn Thị Giang Chi, Ngô Thị Thu Hiền, Lê Lương Tâm, Nguyễn Thị Hải Lý, Nguyễn Thị Hoài An, Hoàng Thị Hiền Lương, Phạm Thanh Lê, Lê Thanh Huyền, Tạ Quỳnh Trang… Nhiều giáo viên là giảng viên cho các lớp tập huấn của Sở giáo dục – Đào tạo Nghệ An. Một số thầy cô tham gia công tác phản biện hoặc chọn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho tỉnh nhà (cô Phạm Thanh Lê, Nguyễn Thị Hoài An…) Không chỉ tâm huyết trong công việc giảng dạy hàng ngày, nhiều thầy cô đam mê nghiên cứu, viết các đầu sách tham khảo cho giáo viên và học sinh hay các chuyên luận nghiên cứu văn học. Năm 2023, cô Hoàng Thị Hiền Lương tham gia viết cuốn Kế hoạch bài dạy Ngữ văn – bộ Kết nối tri thức và cuộc sống (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội). Năm 2024, cô Nguyễn Thị Hoài An viết chuyên luận Liên tục qua những đứt gãy – một cái nhìn lịch sử văn học (Nxb Hội nhà văn). Hằng năm, phần lớn giáo viên trong tổ đều hăng hái, nghiêm túc tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm và đạt kết quả cao của ngành. Trong kì thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, các thầy cô giáo luôn đạt được vị thứ cao, tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu của tổ trong bản đồ giáo dục tỉnh nhà. Cô Lê Thanh Huyền đạt thủ khoa kỳ thì giáo viên giỏi cấp tỉnh THPT năm học 2019-2020. Cô Chu Minh Anh Thơ đạt thủ khoa kỳ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh THPT năm học 2023-2024. Có được thành tích ấy, bên cạnh tài năng sư phạm và tinh thần nỗ lực của thế hệ trẻ, không thể không nói đến sự đồng hành, tiếp sức đầy trách nhiệm và rất khoa học của các thầy cô đã dạn dày kinh nghiệm trong giảng dạy.
Hiện nay, tổ Ngữ văn có thêm một giáo viên được phong tặng danh hiệu cao quý là Nhà giáo ưu tú – cô Nguyễn Thị Giang Chi, Phó hiệu trưởng nhà trường. Nhiều giáo viên được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen (Cô Nguyễn Thị Giang Chi, cô Ngô Thị Thu Hiền, cô Lê Lương Tâm, cô Nguyễn Thị Hải Lý, cô Nguyễn Thị Hoài An, cô Hoàng Thị Hiền Lương, cô Phạm Thanh Lê, cô Lê Thanh Huyền…); được Công đoàn ngành, tỉnh, liên đoàn lao động Việt Nam tặng giấy khen, bằng khen (cô Nguyễn Thị Thuý Anh, cô Dương Thị Minh Nguyệt, cô Lê Thanh Huyền, cô Tạ Quỳnh Trang, thầy Trần Đức…). Năm học 2024, cô Nguyễn Thị Giang Chi nhận bằng khen giỏi việc nước, đảm việc nhà của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cô giáo Hoàng Thị Hiền Lương đạt giải Khuyến khích giải báo chí của ngành giáo dục.
Tập trung quan tâm chất lượng đội ngũ giáo viên và tinh thần cộng sự giữa các thành viên, giữa các thế hệ trong tổ nên chỉ trong vòng 10 năm, tổ Ngữ văn tiếp tục gặt hái được những thành tích rực rỡ ở các kì thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia, góp phần tô thắm trang sử vàng truyền thống của nhà trường. Tại kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn, gần như các khoá đạt tỉ lệ đậu 100%, với tổng số: 50 giải Nhất, 108 giải Nhì và 59 giải Ba, 21 giải Khuyến khích. Số lượng và chất lượng giải học sinh giỏi quốc gia luôn đạt ở mức cao với 2 giải Nhất, 18 giải Nhì, 43 giải Ba và 24 giải Khuyến khích. Có thể kể đến những gương mặt học sinh tiêu biểu đoạt giải Nhất môn Ngữ văn toàn quốc em như Trần Thị Thanh Tú (C1K44) năm 2018, Nguyễn Thị Thảo Chi (C1K47) năm 2021.
Không chỉ đầu tư vào mũi nhọn học sinh giỏi mà các thầy cô trong tổ cũng đã rất dày công ở các kì thi THPT Quốc gia và KHKT, tận tâm trong công tác chủ nhiệm để hái về những mùa quả ngọt như: em Hoàng Thị Thái Bảo (C1K45) đạt thủ khoa khối C toàn quốc năm 2019, em Đinh Thị Kim Ngân (C3K47) đạt thủ khoa đại học khối C toàn quốc năm 2021, em Phan Thị Thảo Nguyên (C5K44) đạt giải Ba học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật toàn quốc năm 2017, em Nguyễn Hoàng Anh (C9K50) đạt giải Nhất cuộc thi tranh biện Trường Teen do VTV7 tổ chức năm 2023. Trong nhiều năm liên tiếp điểm thi trung bình môn Ngữ văn THPT Quốc gia của trường đều lọt vào tốp dẫn đầu toàn tỉnh và nằm trong tốp đầu toàn quốc.
Hoà chung xu hướng hội nhập nhằm xây dựng nền giáo dục có tính mở, phát triển toàn diện các năng lực cho học sinh, tổ Ngữ văn cũng đã tổ chức thành công nhiều hoạt động ngoại khóa. Hoạt động Về nguồn tri ân nhà cách mạng Phan Bội Châu được tổ chức hàng năm nhằm giáo dục các em thái độ uống nước nhớ nguồn, lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ trẻ. Câu lạc bộ Văn học dân gian được tổ chức nhiều lần, thực sự là một lễ hội của văn chương, âm nhạc, vũ điệu và đã gây được ấn tượng sâu sắc về sự năng động, giỏi giang nhiều mặt của học sinh, đặc biệt là các thế hệ học sinh chuyên văn. Hai năm gần đây, tổ còn đăng cai tổ chức trại hè cho học sinh chuyên các tỉnh Bắc Trung Bộ – Tây Nguyên, thu hút được sự tham gia khá đông các trường bạn và trở thành sân chơi thú vị cho học sinh đồng thời tạo cơ hội học hỏi, trao đổi chuyên môn giữa giáo viên chuyên các trường.
Những kết quả rực rỡ nói trên là minh chứng sống động và đẹp đẽ cho sự tận tâm cống hiến cũng như tinh thần hợp tác, kết nối của các thầy cô giáo trong tổ Ngữ văn, nhằm duy trì và phát triển sự vững mạnh của một tổ nòng cốt, xứng đáng với niềm tin yêu của phụ huynh và học sinh.
Kết yêu thương
Những thành tựu nhiều mặt của tổ trong 10 năm qua là nỗ lực về trí tuệ của nhiều thế hệ nối tiếp đồng thời cũng được chắp cánh từ sự gắn kết, tình yêu thương và chia sẻ của các thành viên trong tổ. Khi thế hệ các thầy cô giáo như thầy Phan Huy Tuấn, thầy Lê Thái Phong, thầy Trần Vũ Bảo, cô Phan Thị Nga, cô Nguyễn Thị Tỵ… về hưu, thế hệ giáo viên đã trưởng thành qua nhiều thử thách như cô Nguyễn Thị Giang Chi, cô Ngô Thị Thu Hiền, cô Lê Lương Tâm, cô Nguyễn Thị Hải Lý, cô Nguyễn Thị Thúy Anh, cô Dương Thị Minh Nguyệt, cô Nguyễn Thị Bi, cô Đỗ Thị Thanh Hà… đã trở thành điểm tựa vững chắc cho thế hệ trẻ đi sau. Nhờ sự bồi dưỡng, dẫn dắt của các thế hệ trước, các thế hệ kế cận dần trưởng thành để đáp ứng những yêu cầu của nhà trường và tỉnh nhà. Nhiều học sinh chuyên văn trở về góp tay xây dựng mái nhà chung với chính những thầy cô giáo đã dạy dỗ mình như cô Tạ Quỳnh Trang, cô Nguyễn Thị Hoài An, cô Hoàng Thị Hiền Lương, cô Phạm Thanh Lê, cô Lê Thanh Huyền, cô Chu Minh Anh Thơ, cô Hồ Nguyên Hạnh. Từ đó, tạo nên một nét hết sức đặc biệt – quan hệ đồng nghiệp quyện hoà trong quan hệ thầy trò – khiến tình cảm của các thành viên trong tổ càng trở nên sâu nặng.
Song song với việc hỗ trợ và dìu dắt nhau trong giảng dạy, tổ cũng đã có rất nhiều hoạt động để kết nối tình yêu thương, sẻ chia. Hàng năm, tổ thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa như dâng hương tại đền vua Mai Hắc Đế, nhà lưu niệm Nguyễn Du, đền thờ Nguyễn Công Trứ, đền thờ An Dương Vương… Tổ đã có những chuyến đi đầy ắp nụ cười, thắt chặt thêm tình đồng nghiệp, tình thầy trò: tham quan dã ngoại tại Quỳnh Viên (Thạch Hà), khu du lịch sinh thái Diễn Lâm (Diễn Châu), khu resort Hoa Tiên Paradise (Xuân Thành)… Các hoạt động phong trào như hội thi văn nghệ, thể thao ngày 8/3 hàng năm, hoạt động thi gói bánh chưng ngày tết 2024… được lưu lại trong kí ức mỗi người như những kỉ niệm đáng nhớ, giải toả những căng thẳng và mệt mỏi trong công việc. Vượt lên những lo toan, vất vả của cuộc sống đời thường, các thành viên trong tổ luôn sẵn sàng gánh vác công tác chuyên môn mỗi khi có ai đó ốm đau hay gia đình có những khó khăn, mất mát. Ngoài ra, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà thầy cô giáo đã nghỉ hưu và thắp hương giáo viên đã mất vào dịp lễ tết luôn là nét đẹp trong truyền thống tri ân của tổ. Năm 2022, tổ phối hợp với cựu học sinh các khóa tổ chức thành công lễ ra mắt sách Từ nhân cách đến văn cách của thầy giáo Lê Thái Phong hết sức trang trọng, xúc động và ấm áp. Các thành viên của tổ còn được đón nhận nhiều món quà tinh thần giàu ý nghĩa, những cuốn sách kết tinh tài trí và kinh nghiệm giảng dạy quý giá của các thầy cô lớp trước như Đọc thơ Kiều Nguyễn Du, Tìm hiểu thơ Hồ Chí Minh do thầy giáo Trần Hữu Dinh trao tặng.
III. Vững vàng vươn xa
Trong suốt 60 năm qua, các thế hệ giáo viên tổ Ngữ văn đã có một cuộc chạy đua tiếp sức lặng thầm bền bỉ, đầy tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Đó cũng là hành trình 60 năm giữ lửa và tiếp lửa tình yêu văn chương, tình yêu cái đẹp của những con chữ. Là hành trình nối trí tuệ – kết yêu thương của tình thầy trò, tình đồng nghiệp trong một tổ ấm thiêng liêng. Kỷ niệm 60 năm hệ chuyên, 50 năm thành lập trường là một dịp để chúng ta “ôn cố tri tân”. Tự hào về truyền thống vẻ vang của một tổ chuyên môn vững mạnh, xuất sắc trong mái trường Anh hùng, tập thể giáo viên tổ Ngữ văn xin bày tỏ tấm lòng biết ơn sự quan tâm, chỉ đạo và giúp đỡ của cấp ủy, lãnh đạo chính quyền tỉnh Nghệ An, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, BGH Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và quý phụ huynh cũng như các thế hệ học sinh nhà trường… Đặc biệt, xin trân trọng cảm ơn các thế hệ giáo viên tổ Ngữ văn đã luôn đoàn kết, cộng sự, trách nhiệm, nhân ái dày công vun đắp tập thể tổ chuyên môn từ những ngày đầu khai sơn phá thạch cho đến nay. Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các thầy giáo đã khuất: Thầy Trần Hữu Dinh, thầy Nguyễn Tấn Dương, thầy Hoàng Quỳ, thầy Phan Xuân Chấn, thầy Lê Bá Đức. Tin tưởng rằng, tổ Ngữ Văn sẽ luôn phát huy được tinh thần và sức mạnh truyền thống 60 năm qua, vững bước đi lên, thực hiện tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân tỉnh nhà giao phó trong giai đoạn mới.
IV. Danh sách giáo viên tổ Ngữ văn qua các thời kỳ
STT |
Họ và Tên |
Trình độ đào tạo |
Thời gian công tác |
Ghi chú |
1 |
Hoàng Quỳ |
Cử nhân |
Đã mất |
|
2 |
Phan Xuân Chấn |
Cử nhân |
Đã mất |
|
3 |
Nguyễn Tấn Dương |
Thạc sĩ |
Năm 1971-2000 |
Đã mất |
4 |
Trần Hữu Dinh |
Cử nhân |
Năm 1977- 1992 |
Phó Hiệu trưởng. Đã mất |
5 |
Lê Bá Đức |
Cử nhân |
Năm 1972- 1973 |
Đã mất |
6 |
Lê Phương Nga |
Cử nhân |
Năm 1975- 1978 |
Nghỉ hưu |
7 |
Phan Huy Huyền |
Cử nhân |
Năm 1965-1975 |
Tổ trưởng. Nghỉ hưu |
8 |
Hồ Sỹ Minh Đô |
Cử nhân |
Nghỉ hưu |
|
9 |
Nguyễn Huy Tý |
Cử nhân |
Nghỉ hưu |
|
10 |
Phan Huy Tuấn |
Cử nhân |
Năm 1966- 2002 |
Tổ trưởng, Phó Hiệu trưởng. Nghỉ hưu |
11 |
Nguyễn Văn Lập |
Cử nhân |
Năm 1977-1980 |
Nghỉ hưu |
12 |
Phạm Viết Phương |
Cử nhân |
Năm 1979 – 1988 |
Nghỉ hưu |
13 |
Trần Thị Bích Diệp |
Cử nhân |
Năm 1974- 2005 |
Nghỉ hưu |
14 |
Lê Thái Phong |
Cử nhân |
Năm 1977-2000 |
Tổ trưởng. Nghỉ hưu |
15 |
Nguyễn Tư Hoành |
Cử nhân |
Năm 1982 -1991 |
Nghỉ hưu |
16 |
Nguyễn Quang Phú |
Cử nhân |
Năm 1979- 2007 |
Nghỉ hưu |
17 |
Nguyễn Thị Tỵ |
Cử nhân |
Năm 1996- 2008 |
Tổ trưởng. Nghỉ hưu |
18 |
Trần Vũ Bảo |
Cử nhân |
Năm 1996-2012 |
Nghỉ hưu |
19 |
Phan Thị Nga |
Cử nhân |
Năm 2000-2013 |
Nghỉ hưu |
20 |
Ngô Xuân Vinh |
Thạc sĩ |
Năm 1998- 2005 |
Chuyển công tác, hiện là cán bộ Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An |
21 |
Nguyễn Thị Kim Chi |
Tiến sĩ |
Năm 1993- 2005 |
Phó Hiệu trưởng. Chuyển công tác, hiện là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo |
22 |
Lê Lương Tâm |
Thạc sĩ |
Năm 1998 đến nay |
Tổ phó. Đang công tác |
23 |
Bùi Thị Thu Hằng |
Thạc sĩ |
Năm 1998 -2016 |
Chuyển công tác, hiện là giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong |
24 |
Nguyễn Thị Giang Chi |
Thạc sĩ |
Năm 1999 đến nay |
Tổ trưởng, Phó Hiệu trưởng. Đang công tác |
25 |
Ngô Thị Thu Hiền |
Thạc sĩ |
Năm 2000 đến nay |
Tổ trưởng. Đang công tác |
26 |
Nguyễn Thị Thúy Anh |
Thạc sĩ |
Năm 2000 đến nay |
Đang công tác |
27 |
Dương Minh Nguyệt |
Thạc sĩ |
Năm 2001 đến nay |
Đang công tác |
28 |
Trần Vũ Đức |
Thạc sĩ |
Năm 2001 đến nay |
Đang công tác |
29 |
Nguyễn Thị Hải Lý |
Thạc sĩ |
Năm 2006 đến nay |
Đang công tác |
30 |
Tạ Quỳnh Trang |
Thạc sĩ |
Năm 2004 đến nay |
Đang công tác |
31 |
Nguyễn Thị Hoài An |
Tiến sĩ |
Năm 2009 đến nay |
Đang công tác |
32 |
Phạm Thanh Lê |
Tiến sĩ |
Năm 2009 đến nay |
Đang công tác |
33 |
Hoàng Thị Hiền Lương |
Thạc sĩ |
Năm 2009 đến nay |
Đang công tác |
34 |
Lê Thanh Huyền |
Thạc sĩ |
Năm 2013 đến nay |
Đang công tác |
35 |
Đỗ Thị Thanh Hà |
Thạc sĩ |
Năm 2010 đến nay |
Đang công tác |
36 |
Nguyễn Thị Bi |
Thạc sĩ |
Năm 2013 đến nay |
Đang công tác |
37 |
Chu Minh Anh Thơ |
Thạc sĩ |
Năm 2019 đến nay |
Đang công tác |
38 |
Hồ Nguyên Hạnh |
Thạc sĩ-NCS |
Năm 2020 đến nay |
Đang công tác |
Tổ Ngữ văn trong Sinh hoạt chuyên môn theo Cụm trường |
Tập thể Tổ Ngữ văn hiện nay |