NƠI ĐẤT HỌC NỞ HOA
(1974 – 1981)
1. Giai đoạn 1974 – 1978
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, hòa bình đã lập lại ở miền Bắc, toàn Đảng toàn dân ra sức khôi phục nền kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, đồng thời làm hậu phương vững chắc cho miền Nam. Trong bối cảnh bộn bề khó khăn nhưng Tỉnh ủy, UB hành chính tỉnh vẫn xác định xây dựng và phát triển văn hóa, giáo dục là nhiệm vụ rất cần thiết. Thêm vào đó, những kết quả thuyết phục từ các lớp chuyên Văn, chuyên Toán là động lực thúc đẩy ý tưởng xây dựng một trường cấp 3 chuyên cho cả tỉnh trở thành hiện thực.
Được sự đồng ý của Bộ Giáo dục, ngày 20/8/1974 UB hành chính tỉnh Nghệ An đã ra quyết định số 1207 do Phó Chủ tịch Hoàng Duy ký về việc thành lập “Trường cấp 3 nội trú bồi dưỡng học sinh có năng khiếu” (sau thường được gọi tắt là Trường cấp 3 Năng khiếu).
Để thực thi quyết định của UB hành chính, Ban lãnh đạo Ty giáo dục Nghệ An (lúc bấy giờ ông Nguyễn Tài Đại làm Giám đốc, ông Trần Đức Mai làm Phó Giám đốc) đã điều động một số giáo viên từ các trường cấp 3 trong tỉnh về và bổ nhiệm ông Đinh Văn Thông (lúc bấy giờ là giáo viên Trường cấp 3 Diễn Châu I) giữ chức Hiệu phó, chịu trách nhiệm điều hành các công việc của trường (đến khoảng đầu năm 1975, ông Đinh Văn Thông chính thức giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường).
Địa điểm đặt chân đầu tiên của trường là nền đất vuông vắn của Trường cấp 1 Diễn Thành do Đảng ủy, UBND xã Diễn Thành nhường lại cho nhà trường. Sau đó công việc xây dựng trường bắt đầu được triển khai. Vào thời điểm này, tình hình kinh tế rất khó khăn, ngân sách cấp trên cấp không đủ, nhiều hạng mục xây dựng thầy trò phải tự làm và dựa vào sự giúp đỡ của chính quyền, hợp tác xã cũng như nhân dân địa phương. Ngôi nhà đầu tiên được cất lên là nhà đựng thiết bị thí nghiệm. Góp công lớn trong việc xây dựng ngôi nhà này là thầy Đinh Văn Thông, thầy Nguyễn Nghị, thầy Phạm Xuân Thâm và thầy Đào Lương Thiện. Đây là nơi cất giữ những đồ dùng thiết bị dạy học khi trường chuyển về. Ngôi nhà hoàn tất chỉ trong vòng gần một tuần. Tuy chỉ là một ngôi nhà tranh tre nứa mét nhưng là thành quả của sự lao động, lòng tâm huyết, là động lực cho thầy trò vững bước trên chặng đường sắp tới.
Cuối tháng 8 năm 1974, lớp 8, lớp 9 chuyên Toán và chuyên Văn do thầy Nguyễn Duy Tịnh, thầy Trần Văn Bỉnh, Thầy Nguyễn Tấn Dương, Thầy Phan Huy Huyền, thầy Hoàng Quỳ, thầy Chu Phú lên đường về Diễn Châu hội tụ. Thầy trò đi bộ từ Thanh Chương, Đô Lương, vượt qua quãng đường dài gần 40km, một bên là sách vở tư trang cá nhân, một bên là xoong nồi, thiết bị nhà trường, …gánh về trường mới. Toàn bộ học sinh và các thầy cô giáo lúc đó được bố trí về ở trong nhà dân, chỉ thầy Nghị – Trưởng ban lao động của trường lúc bấy giờ và thầy Nguyễn Duy Tịnh “được” ở trong ngôi nhà đựng thí nghiệm đó.
Ngày 28/8, phiên họp đầu tiên của Hội đồng giáo dục gồm các thầy cô giáo: thầy Đinh Văn Thông, thầy Phan Huy Huyền, thầy Hoàng Quỳ, thầy Nguyễn Tấn Dương, thầy Trần Văn Bỉnh, thầy Chu Phú, thầy Nguyễn Duy Tịnh, thầy Đào Lương Thiện, thầy Hồ Sĩ Minh Đô, cô Trần Thị Bích Diệp, thầy Hồ Đức Tăng, thầy Nguyễn Duy Đào, thầy Nguyễn Xuân Thơi, thầy Nguyễn Nghị, thầy Phạm Xuân Thâm … Vì nhà trường chưa có văn phòng nên đã họp tại nhà ông Công, một phụ huynh của lớp chuyên Văn lúc đó. Trong cuộc họp, các thầy cô giáo đã nghe thầy Đinh Văn Thông trình bày kế hoạch xây dựng trường, công tác chuyên môn và các công tác chuẩn bị cho ngày công bố quyết định thành lập trường. Cả hội đồng giáo dục đều phấn khởi, tự hào và nóng lòng góp sức cho việc chuẩn bị đón nhận sự kiện lịch sử quan trọng này. Trong cuộc họp, cả Hội đồng cùng thống nhất hai nhiệm vụ chính trước mắt phải làm ngay:
– Triển khai các kế hoạch chuyên môn, ổn định dạy và học.
– Gấp rút xây dựng trường đủ phòng học, phòng ở cho một số giáo viên, nhân viên và nhà ăn cho giáo viên và học sinh, chuẩn bị tốt mọi mặt để đón ngày công bố quyết định thành lập trường.
Ngôi nhà thứ 2 được cất lên từ nếp nhà do các thầy và học sinh dỡ mang từ Thanh Chương về – đây chính là Văn phòng của nhà trường. Kể từ khi có ngôi nhà này, Hội đồng giáo dục của trường không phải họp nhờ nhà bác Công nữa.
Ngày 29/ 8/ 1974, các lớp 9, 10 chuyên Văn, chuyên Toán bắt đầu học. Thời gian này các lớp được gửi sang học nhờ Trường cấp 2 Diễn Thành. Đây là thời kì vô cùng vất vả của thầy và trò. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, các thầy giáo được phân công thay nhau lên Nghĩa Đàn mua luồng, nứa về làm nhà, mua củi về cho tập đoàn. Học sinh hết giờ học lại đi chặt hàng tấn phi lao mà HTX Diễn Thành nhường cho về làm cột kèo dựng lán. Ngày đó, những chuyến ô tô chở nứa mét từ Nghĩa Đàn về, bất kể thời gian nào, ngày hay đêm, khi nghe tiếng kẻng của bác bảo vệ, thầy trò đều nhanh chóng có mặt đầy đủ để bốc vác, vận chuyển về nơi tập kết. Khi nguyên vật liệu được tập kết xong cũng là lúc hai lớp 8 chuyên Toán, chuyên Văn được tuyển chọn xong.
Ban lao động do thầy Thâm phụ trách, phân chia cho từng lớp chuyên. Thầy Thơi chịu trách nhiệm chỉ đạo, thiết kế, mỗi lớp tự làm phòng học cho mình. Những ngày đó, mảnh đất cạnh bãi biển Diễn Thành như một công trường xây dựng, ban lãnh đạo là những nhà thiết kế, các thầy cô giáo và học sinh là những người thợ lành nghề, chăm chỉ và đầy nhiệt huyết. Những ngày chẻ nứa làm phên, chặt phi lao làm cột kèo, nhồi rơm lẫn bùn để trát vách, … Những kỉ niệm đó không bao giờ phai mờ trong mỗi thầy cô và học sinh trường Năng khiếu thuở ấy.
Sau hơn 50 ngày, đến ngày 14/10/1974, khuôn viên trường cơ bản được xây dựng xong. Nhìn khuôn viên trường mới, nhìn thành quả công sức lao động của mình, niềm vui không thể giấu được trên khuôn mặt của mỗi thầy trò. Đã đủ phòng để học, đã đủ một số cơ sở vật chất thiết yếu cho sinh hoạt, nhưng vẫn muốn làm cho trường đẹp hơn. Và thầy Đinh Văn Thông, thành viên duy nhất của Ban giám hiệu trường bấy giờ đã quyết định cho cô Thục Oanh (giáo viên môn Địa Lí, quê ở Hà Nam) miễn lao động để về quê Hà Nam mua giống hoa. Đây là những cây hoa thược dược, hoa lay ơn, hoa đồng tiền – những loài hoa vào thời điểm đó vô cùng quý hiếm. Chính những luống hoa này đã chứng tỏ một điều rằng: dù khó khăn vất vả đến đâu, thầy và trò vẫn lạc quan vững bước đi lên, và sẽ gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người.
Rồi ngày vui cũng đến, sáng 15/10/1974 là niềm vui không chỉ của riêng thầy trò, mà còn là niềm vui chung của địa phương, nơi được đón nhận một ngôi trường gồm những học sinh tiêu biểu, xuất sắc của tỉnh, là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An khi chính thức có ngôi trường chuyên. Trong buổi lễ công bố quyết định thành lập trường, thầy trò đã vinh dự được đón bác Nguyễn Sĩ Quế – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đoàn đại biểu cấp Tỉnh cùng đại diện huyện Diễn Châu và xã Diễn Thành. Đây là ngôi trường chuyên đầu tiên của miền Bắc, cũng là trường chuyên đầu tiên trên toàn quốc.
Vậy là các học sinh lớp chuyên đã chính thức có trường riêng của mình, đội ngũ giáo viên cũng đã tương đối đầy đủ gồm:
Tổ Toán – Lý – Hóa: thầy Nguyễn Duy Tịnh (tổ trưởng), thầy Đinh Văn Thông, thầy Trần Văn Bỉnh, thầy Chu Phú, thầy Hoàng Khánh Đài, thầy Hồ Đức Tăng, thầy Nguyễn Duy Đào, thầy Nguyễn Xuân Thơi, cô Lê Thị Hoài Châu, thầy Cao Ngọc Trân, Thầy Thái.
Tổ Văn – Sử – Địa: thầy Phan Huy Huyền (tổ trưởng), thầy Hoàng Quỳ, thầy Nguyễn Tấn Dương, thầy Hồ Sĩ Minh Đô, cô Trần Thị Bích Diệp, cô Lê Thị Phương Nga, thầy Nguyễn Nghị, cô Trần Thị Thục Oanh, thầy Trần Quang Cư, cô Nguyễn Thị Phòng, thầy Lê Bá Cẩm.
Tổ Tổng hợp: thầy Đào Lương Thiện (môn Chính trị), thầy Lê Minh Thụ (môn Sinh học), thầy Tuyên (môn Sinh học), cô Hoàng Thị Minh (môn Tiếng Nga), thầy Ngô Sĩ Định, thầy Ngọ (môn Tiếng Trung), cô Nguyễn Thị Mai Hoa (môn Nhạc), thầy Phạm Xuân Thâm (môn Thể dục).
Tổ Hành chính – Cấp dưỡng: bác Phạm Văn Ban (tổ trưởng), bác Nguyễn Kỳ (văn thư), cô Nguyễn Thị Lan (thủ quỹ kiêm thủ kho), cô Trần Thị Mão (kế toán), bác Nguyễn Cần (lao công), cô Tuyết (phụ tá). Bộ phận cấp dưỡng gồm bác Văn, bác Nhung, bác Chinh, cô Phấn, cô Hương, bác Hường, chị Nội, chị Tuấn, chị Phương.
Bắt đầu từ đây, thầy trò yên tâm dạy và học mặc dù còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn về vật chất. Những bữa cơm không đủ no, nước sinh hoạt không đủ dùng, ánh sáng không đủ học và soạn bài nhưng tất cả không làm thầy trò lùi bước. Nhà trường rất chú trọng đến việc đào tạo toàn diện cho học sinh: các học sinh chuyên Toán có điểm tổng kết môn Văn (hoặc học sinh chuyên Văn có điểm tổng kết môn Toán) dưới 5,0 đều được đưa về các trường cấp 3 phổ thông học. Vào các ngày lễ như Ngày thành lập Đảng 3/2, Ngày thành lập Đoàn thanh niên 26/3, các hoạt động văn nghệ, thể dục của giáo viên, học sinh thường xuyên được tổ chức. Vở kịch Đường về, tiểu phẩm trích đoạn trong tác phẩm Hòn đất của thầy Hồ Sĩ Minh Đô do các thầy cô giáo thủ vai đã giành giải nhất trong Hội diễn văn nghệ toàn ngành giáo dục.
Chính vì vậy, hai năm học sau khi trường được thành lập đã có rất nhiều thành tích đáng nể phục: anh Hoàng Quế, học sinh chuyên Toán đã được dự thi chọn Đội tuyển Toán quốc tế; anh Lưu Văn Hạnh, học sinh phổ thông duy nhất của Nghệ An được tặng danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ,… Học sinh của các khóa đầu tiên sau khi tốt nghiệp đều được xét tuyển vào đại học, nhiều em được cử ra nước ngoài học tập và sau này đảm nhiệm những vị trí cao trong nhiều lĩnh vực như: anh Nguyễn Văn Cao – học sinh chuyên Toán, hiện là Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; anh Đinh Trí Dũng, PGS – TS, Giám đốc Nhà xuất bản Trường Đại học Vinh; chị Nguyễn Thị Ly Kha, Trưởng khoa Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, …
Cuộc chuyển trường lần thứ nhất.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đầu năm 1976, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Các cơ quan cấp tỉnh được lệnh chuyển về thành phố Vinh. Lúc bấy giờ, Ty Lương thực và Công ty Thủy sản đang đóng tại Diễn Thành cũng được lệnh chuyển về thành phố. Cơ sở vật chất cũ của các cơ quan này tương đối tốt và đầy đủ. Vì vậy, lãnh đạo Tỉnh quyết định cho trường chuyển về tiếp quản hai cơ sở này. Cuộc chuyển quân lần thứ nhất của thầy trò đầy lưu luyến với những mái nhà tranh mà chính mình đã dựng lên.
Khi chuyển đến địa điểm mới, ngoài cơ sở vật chất trường lớp đầy đủ, nhà trường được tăng cường đội ngũ giáo viên có chất lượng, học sinh được tuyển lựa theo quy chế nghiêm ngặt nên chất lượng hơn. Vì nhập tỉnh nên học sinh được tuyển lựa như sau: một lớp 8 chuyên Toán của Nghệ An và một lớp 8 chuyên Toán của Hà Tĩnh chỉ được tuyển lại một lớp 9 chuyên Toán cho năm học mới (30 em). Các lớp 8 chuyên Văn, các lớp 9 chuyên Văn, các lớp 9 chuyên Toán cũng được tuyển lựa lại theo cơ chế trên. Như vậy, qua tuyển lựa lại thì có gần 50% số học sinh của Nghệ An và Hà Tĩnh phải về học tại các trường cấp 3 phổ thông.
Đầu năm học này, trường được đổi tên là Trường cấp 3 Năng khiếu Phan Bội Châu Nghệ Tĩnh. Hội đồng giáo dục của trường trong năm học này được bổ sung: thầy Phan Huy Tuấn (môn Văn), thầy Dương Đình Thanh (môn Toán), thầy Nguyễn Hữu Đắc (môn Toán), cô Nguyễn Thị Minh Lý (môn Lý), cô Nguyễn Thị Xuân Hương (môn Hóa), thầy Nguyễn Xuân Độ (môn Toán), thầy Phan Xuân Chấn (môn Văn).
Trong năm học này bộ máy hành chính của trường, đặc biệt là Ban Giám hiệu đã được kiện toàn:
– Thầy Đinh Văn Thông – Hiệu trưởng kiêm Phó Bí thư chi bộ
– Thầy Cao Ngọc Thi – Hiệu phó
– Thầy Hoàng Hồ – Hiệu phó
– Thầy Hồ Sĩ Minh Đô – Bí thư chi bộ
– Thầy Đào Lương Thiện – Cấp ủy – Chủ tịch Công đoàn
– Thầy Nguyễn Duy Đào – Bí thư Đoàn trường
Kết thúc năm học này (1976 – 1977), số lớp học không thay đổi, nhưng vì nhập tỉnh, học sinh được sàng lọc nên chất lượng tăng lên nhiều. Kết quả thi đại học rất cao, nhiều em được cử đi học ở nước ngoài, khối chuyên Toán đạt 100%, khối chuyên Văn đạt 90% vào đại học, số còn lại vào cao đẳng.
Để kết thúc giai đoạn này xin nhắc một chút đến khóa học 1975 – 1978. Trong khóa học mà trường chuyển địa điểm đến hai lần, xáo trộn về tâm lý, khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng thầy trò vẫn dạy và học tốt, đạt được những thành tích đáng kể: đội tuyển Văn đạt giải Nhất đồng đội, về cá nhân: 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 2 giải Tư. Đội tuyển Toán cũng đạt 3 giải cá nhân.
Ba năm, từ 1974 đến 1977, trường đóng tại Diễn Thành ( Diễn Châu) cũng đã dừng chân ở hai địa điểm. Đầu năm 1978, trường được lệnh chuyển về thành phố Vinh.
Cuộc chuyển trường lần thứ hai.
Vùng đất Hưng Lộc đầy nắng, cát và gió Lào mà trường chuyển đến nguyên là của Ty Giáo dục Nghệ An. Sau khi chuyển về trung tâm thành phố tại phường Hưng Bình, Ty Giáo dục đã nhường lại phần đất và cơ sở vật chất này cho hai trường: Trường Bồi dưỡng giáo viên (do thầy Nguyễn Nghĩa Nguyên làm hiệu trưởng) và Trường cấp 3 Năng khiếu Phan Bội Châu Nghệ Tĩnh.
Lần thứ 2 thầy trò chuyển “gia tài” của mình về địa điểm mới!
Lần chuyển trường này tuy xa nhưng nhờ công tác ngoại giao tốt nên gặp nhiều thuận lợi. Trường đã nhờ được Trung đoàn vận tải 42 của Quân khu IV kết nghĩa điều đến gần 70 chuyến xe ô tô chở toàn bộ trang thiết bị nhà trường, đồ dùng tư trang của học sinh và giáo viên về địa điểm mới. Toàn trường chuyển quân trong không khí tưng bừng, náo nức.
Những năm 1978 – 1981 ở Hưng Lộc là thời gian vô cùng khó khăn của nhà trường. Lúc bấy giờ đang là thời kỳ bao cấp, Mỹ lại đang duy trì lệnh cấm vận đối với Việt Nam, vì vậy hàng hóa vô cùng khan hiếm. Trường mới chuyển về, nhà cửa phòng học còn ít, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, phòng thí nghiệm, thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Trường lại nằm trên mảnh đất chói chang cát bụi, nước ăn nước sinh hoạt hàng ngày không đủ. Toàn bộ học sinh của trường lúc bấy giờ đều ở nội trú, lại đang ở độ tuổi ăn tuổi lớn. Làm thế nào để quản lý tốt học sinh, đáp ứng được yêu cầu của một trường có nhiều đặc thù riêng như vậy?
Một lần nữa, Ban Giám hiệu và tập thể Hội đồng giáo dục của trường đã vượt qua mọi khó khăn để khẳng định mình.
Để đảm bảo lương thực thực phẩm cho học sinh, nhà trường đã xin Tỉnh cấp cho toàn bộ học sinh sổ gạo, phiếu thực phẩm loại E (loại tem phiếu thấp nhất của CBCNV thời đó). Gọi là sổ gạo nhưng mỗi tháng cũng chỉ được vài cân gạo, còn toàn mì hột, ngô hạt, khá lắm thì được bột mì. Thậm chí, có lúc phải ăn khoai lang luộc, sắn khô. Có nhiều đợt không mua được lương thực, thầy trò hết cái ăn, may nhờ Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân, đơn vị bộ đội kết nghĩa bên cạnh cho vay gạo, thầy trò ăn dè xẻn qua ngày.
Thiếu ăn, thiếu mặc là cái chung của toàn xã hội lúc bấy giờ, nhưng cái gió Lào ở Hưng Lộc thì thầy trò không bao giờ quên. Nhiều hôm đang giờ học, giờ ăn, cơn gió Lào ập đến, bốc hẳn những túm cát quăng vào lớp, vào cơm. Cái nắng gắt gao, cộng với gió Lào cồn cột là nguyên nhân gây ra vụ cháy hai dãy nhà của nhà trường. Rất may hồi đó Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân sang giúp dập tắt lửa kịp thời không toàn trường đã bị cháy trụi. Sau đó, cũng nhờ đơn vị bộ đội này, hai dãy nhà bị cháy đã nhanh chóng được xây dựng lại, kịp cho học sinh bước vào năm học mới.
Ngày đó thông tin liên lạc còn khó chứ không được như bây giờ. Có lần vào kì thi chọn Học sinh giỏi toàn quốc, Hội đồng coi thi và các thí sinh đã tập trung đầy đủ, chờ mãi vẫn không thấy bưu điện đưa đề thi của Bộ đến. Đến trưa vẫn chưa có đề, nhà bếp chỉ có mỗi món bo bo quen thuộc, nhà trường phải “linh động” mua bánh chưng cho hai đội tuyển ăn. Mãi đến 3 giờ chiều mới có đề thi và các thí sinh mới bắt đầu làm bài …
Những năm trường ở đây chưa có điện, đèn dầu là vật dụng thân quen nhất của học sinh và giáo viên Trường Cấp 3 Năng khiếu Nghệ Tĩnh thời đó.
Cuộc sống, điều kiện sinh hoạt, dạy và học khó khăn đủ mọi bề, nhưng thầy trò vẫn luôn duy trì tốt nền nếp dạy và học. Ban Giám hiệu nhà trường đã dày dặn kinh nghiệm, các đoàn thể là những lực lượng nòng cốt mọi phong trào trong nhà trường. Đội ngũ giáo viên lúc này cũng đã ổn định về số lượng và chất lượng: các thầy giáo dạy chuyên đều là Giáo viên giỏi tỉnh. Phụ trách các lớp chuyên Toán gồm thầy Trần Văn Bỉnh, thầy Dương Đình Thanh, thầy Phan Huy Tỉnh, thầy Nguyễn Hữu Đắc, thầy Nguyễn Trọng Huấn. Các thầy Trần Hữu Dinh, thầy Lê Thái Phong, thầy Phan Huy Tuấn phụ trách các lớp chuyên Văn. Nhiều thầy cô trong thời gian này được bổ sung về trường: thầy Hoàng Thám (giáo viên Toán, Bí thư Đoàn trường), thầy Phan Huy Tỉnh, thầy Lập, thầy Nguyễn Trọng Huấn, thầy Phạm Viết Phương, thầy Nguyễn Quang Phú, thầy Nguyễn Văn Minh, … Nhiều thầy cô giáo là những cộng sự đắc lực về chuyên môn cho Ty Giáo dục Nghệ An. Thầy Trần Hữu Dinh được cử đi dự Đại hội Đại biểu Giáo viên giỏi 5 năm toàn tỉnh lần thứ nhất (1976 – 1981), được UBND Tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Các thầy cô luôn là tấm gương sáng trong việc tự học, tự bồi dưỡng. Phong trào làm chuyên đề của các thầy cô giáo dạy chuyên được đánh giá cao trong tỉnh cũng như trong các hội thảo của Bộ Giáo dục tổ chức.
Nhắc đến thời gian ở xã Hưng Lộc, ngoài các thầy cô giáo, không thể không nhắc đến các bác các cô ở tổ Hành chính như cô Lan thư viện, cô Dung văn phòng, chú Nguyên thí nghiệm, chú Tùng, cô Phấn y tế, cô Lan thủ kho, cô Mão kế toán, bác Hà, bác Chinh, bác Chính, bác Phương… phụ trách nhà bếp. Các bác các cô là những người trực tiếp chăm lo bữa ăn cho học sinh. Những đợt học sinh ăn ngô hạt, các bác phải nấu bằng nước vôi, sau đó làm cho tróc vảy ra để có thể ăn được. Không hiểu động lực nào mà giữa cái nắng như đổ lửa của vùng Hưng Lộc, các bác đủ kiên nhẫn để làm như vậy?
Có lẽ cảm nhận được cái tâm của thầy cô, sự tận tâm của các bác phục vụ mà học sinh thời đó đã vượt qua được mọi khó khăn để không ngừng phấn đấu vươn lên. Hàng năm đều có nhiều học sinh tham gia kì thi chọn HSG toàn quốc và đạt giải như: Trịnh Đình Hà, Phạm Ngọc Anh, Nguyễn Hồng Thái, Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Văn Phượng, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Bá Cảnh… Nhiều học sinh tham gia các giải thể dục thể thao của cụm, thành phố và đạt giải như: Phan Xuân Tăng, Đinh Thị Lệ Thanh, Nguyễn Cảnh Hào, …
Cuộc sống nơi đây luôn tràn ngập tiếng cười. Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao luôn sôi nổi. Những sân khấu được làm bằng bàn ghế, những buổi biểu diễn văn nghệ là những ngày vui không phải chỉ của thầy cô và học trò, mà còn cuốn hút rất đông khán giả là dân địa phương đến xem. Những điệu múa Cô gái vót chông do cô Mai Hoa đạo diễn, các nữ sinh biểu diễn; những vở kịch vui của các lớp chuyên Toán; tiểu phẩm Tôi là Sứ đây của lớp Văn ( Khóa 1978 – 1981); những tiết mục hòa nhạc của các thầy Dương Đình Thanh, Lê Đức Kiêm, … có lẽ là những kí ức không bao giờ quên của các trò. Hồi đó, nhà trường kết nghĩa với một số đơn vị bộ đội, thỉnh thoảng các thầy cô lại dẫn học sinh sang giao lưu văn nghệ. Có đợt thầy trò đi bộ hơn chục km lên tận đơn vị bộ đội gần chợ Quán Lau (nay là Đại đội TT18) để biểu diễn.
Đặc biệt vào năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, cả trường cũng hừng hực khí thế theo lời kêu gọi tổng động viên của Chủ tịch nước, nhiều học sinh của trường tự nguyện viết đơn xin đi bộ đội, những bài hát Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh, Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới của nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn được cất lên vào các tiết sinh hoạt đầu giờ. Phong trào viết thư cho các chiến sĩ ở biên cương phía Bắc, ở hải đảo xa xôi, những chuyến thăm các chiến sĩ ở Đảo Ngư, Đảo Mắt của Đoàn thanh niên tổ chức thực sự có tính giáo dục cao đối với các thế hệ học sinh lúc bấy giờ. Có lẽ vì thế mà nhiều học sinh của các lớp chuyên Toán thời kì ấy đã thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự và hiện nay đang là những sĩ quan cao cấp trong quân đội.
Ngày đó, học sinh của trường còn tham gia rất nhiều hoạt động khác của xã hội như: đắp kênh Hưng Hòa, tham gia làm thủy lợi ở các xã lân cận thành phố Vinh, …
Sống và ở cùng nhau, khó khăn cùng chia sẻ, Trường cấp 3 Năng khiếu Phan Bội Châu Nghệ Tĩnh thời đó như một gia đình lớn. Thầy giáo Hiệu trưởng Đinh Văn Thông là người Hiệu trưởng đầu tiên và đi suốt những ngày tháng sau này cũng như tập thể Hội đồng sư phạm đã vừa chăm lo việc dạy học, vừa lo cuộc sống của các em học sinh, cưu mang các em như ruột thịt để thầy trò cùng nhau vượt qua những ngày đầu gian khó. Hồi đó, cô Hoàng Thị Minh (giáo viên dạy Tiếng Nga) bị ốm nặng phải nằm bệnh viện lâu dài, thầy trò cả trường đã thay nhau trực ở bệnh viện cùng với gia đình cô cho đến tận ngày cô mất. Rồi còn biết bao câu chuyện cảm động của thầy trò mà không thể kể hết.
Học trò trường Phan ở Hưng Lộc không chỉ học được kiến thức mà còn học được chữ Tâm ở thầy cô và cán bộ nhà trường – hành trang quý giá để bước vào đời. Chỉ bốn năm trường dừng chân ở Hưng Lộc nhưng biết bao nhiêu người đã trưởng thành từ đây, như cánh chim câu tỏa khắp muôn nơi: Đinh Thị Lệ Thanh (học sinh chuyên Toán khóa 1976 – 1979), hiện là UVBTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Nghệ An; Đặng Đình Cung (học sinh chuyên Văn khóa 1974 – 1977), TS, Trưởng khoa ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội; Trần Thị An (học sinh chuyên Văn khóa 1978 – 1981), PGS.TS Văn học – Vụ trưởng – Viện Hàn Lâm KHXHVN; Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uy ban khoa học, giáo dục của Quốc hội. Đi lên từ gian khó, đất học ươm mầm nở ngát hoa thơm.
3. Những cột mốc đáng nhớ
– Ngày 20/8/1974: Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An (nay là UBND tỉnh Nghệ An) đã ra Quyết định số 1207 về việc thành lập “Trường cấp 3 nội trú bồi dưỡng học sinh có năng khiếu”, nay là Trường THPT chuyên Phan Bội Châu Nghệ An.
– Ngày 15/10/1974: Lễ công bố Quyết định thành lập trường. Trường năng khiếu Phan Bội Châu chính thức thành lập tại xã Diễn Thành – huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
– Hè năm 1977: Trường chuyển từ Diễn Châu về xã Hưng Lộc – ngoại thành Vinh.
– Mùa hè năm 1981: Trường chuyển từ xã Hưng Lộc về địa điểm 48 Lê Hồng Phong (nay là 119 Lê Hồng Phong) – thành phố Vinh.